Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Bình Giảng Thơ Lu Hà Do Thu Hà Diễn Ngâm Phần 140

 

Trung Hiếu Nghĩa Hiệp

“ Video 8“

 

“Hướng Trường An thênh thang rảo bước

Lục Vân Tiên nguyện ước nước non

Cùng Vương Tử Trực sắt son

Gặp thời cá nhảy Vũ môn hóa rồng“

 

Trường An là một trong 4 kinh đô lâu đời nhất của nước Tàu như Tây An, Lạc Dương, Nam Kinh và Bắc Kinh.

Cá vượt cửa Võ tức Vũ môn hóa  thành rồng. Rồng bay lên mây làm thành mưa làm gió, tung hoành ngang dọc, chỉ sự khoe tài đua sức của các môn sinh.

Vũ môn tức Longmôn, Long môn là hai nhỏm núi đá đứng sững hai bên bờ trên một khúc sông Hoàng Hà như hình cái cửa. Cửa này trước chật hẹp, sau khi ông Hạ Vũ trị thủy có đục phá cho rộng thêm ra, nên gọi là Vũ-Môn (cửa ông Vũ).

Sách Tam Tần ký ghi chép: Long-Môn là nơi  sóng dữ, cá khó vượt qua, nếu vượt qua được thì sẽ hóa rồng. Sách Thủy Kinh nói: Vào tiết tháng ba, cá chép vượt qua được Long Môn hóa rồng; người đời Ðường bảo những sĩ tử thi đỗ là "nhảy qua Long-Môn". Theo sách Ðại Nam Nhất Thống Chí thì nước Việt Nam ta cũng có Vũ-Môn, ở dãy núi Khai Trướng (Giăng màn) thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có một dòng suối ba bậc, tương truyền: mỗi năm đến tháng tư, mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng "vượt Vũ-Môn để hóa rồng".Ca dao nói: "Tháng ba cá đi ăn thề, tháng tư cá về, cá vượt Vũ-Môn".

“Bạn tri kỷ non bồng tiên tử

Cảm xúc nhiều thi tứ tuôn trào

Dăm ba chén rượu ngọt ngào

Thỏa thuê đàm luận anh hào gần xa

 

Ba tầng cửa nước nhà trông đợi

Phận học trò chới với về đâu?

Cho dù rồng xuống vực sâu

Ghét nhau tài mệnh bể dâu đoạn trường

 

Chim hồng hộc tang thương cánh mỏi

Sợ lạc bầy mòn mỏi héo hon

Én kia đắc ý chon von

Cuồng phong bão tố liệu còn giữ thân“

 

Tài, mệnh ghét nhau hay còn gọi là tài mệnh tương đố nghĩa hễ người có tài thì thân phận bấp bênh.

Câu thơ có ý: khi con rồng khi ở vực sâu thì giỡn sóng, khi lên trời cao thì chơi mây, mặc sức vẫy vùng. Người sĩ tử dù hiển đạt ra giúp nước hay chưa hiển đạt còn ở nhà, tùy hoàn cảnh mà thi thố chí mình, chỉ cần có tài, bất chấp số mệnh, đối chọi lại thuyết tài mệnh tương đố.

Chim Hồng hộc còn gọi chim hồng, chim hộc, tức là vịt trời và ngỗng trời, loại chim bay xa và bay cao cũng có khi mỏi cánh, chim én nhỏ nhoi bay cao chớ lấy làm đắc ý. Huynh đệ Lục Vân Tiên và Vương tử Trực tự an ủi nhau học tài thi phận.

 

“Mải trò chuyện tinh thần sảng khoái

Đất kinh đô quan tái mây trời

Rủ nhau vào quán nghỉ ngơi

Phút đâu bạn cũ nói cười râm ran“

 

Rồi họ rủ nhau vào cái quán nhỏ bên đường gặp hai sĩ tử khác là Bùi Kiệm và Trịnh Hâm là người ở hai phủ kế tiếp nhau là Dương Xuân và phan Dương. Đặc biệt ngã Trịnh Hâm là con nuôi của Thái sư đương triều rất có thế lực.

 

“Người ở phủ Dương Xuân Bùi Kiệm

Trịnh Hâm thèm tìm kiếm công danh

Phan Dương phủ quận đã đành

Thái Sư nâng đỡ học hành ăn chơi“

 

Trịnh Hâm và Bùi Kiệm sẵn tiền vung ra mời cả bọn cùng ăn uống để thăm dò tài văn chương của Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực có phải là đối thủ cạnh tranh đáng gườm không?

 

“Kêu chủ quán thiết mời bằng hữu

Sẵn túi tiền bầu rượu hả hê

Đồ ăn thịnh soạn chỉnh tề

Kiệm Hâm gạ gẫm bạn bè làm thơ

 

Hai ngã còn ngẩn ngơ suy nghĩ

Thì Trực Tiên thi vị tuôn ra

Lời hay ý nghĩa bao la

Kiệm Hâm ngờ vực hay là cổ thi?

 

Chủ quán nghe tức thì sằng sặc

Trực Tiên càng ngơ ngác cười ai?

Ông kêu cười kẻ bất tài

Bàng Quyên Tôn Tẫn thiện tai phũ phàng

 

Chuyện lịch sử trái ngang như vậy

Biết bao điều xem thấy mà đau

Tiểu nhân kèn cựa tranh nhau

Anh hùng vùi dập vàng thau lu mờ“

 

Tôn Tẫn, Bàng Quyên vốn dĩ là hai tướng tài thời Chiến quốc. Hai người cùng học Quỉ Cốc tử, kết nghĩa với nhau, nhưng về sau Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy, lập mưu cắt xương đầu gối, xương bánh chè của Tôn Tẫn, có sách chép là cắt gân chân.  Chủ quán vốn là một văn sĩ ở ẩn mở quán cơm rượu sinh sống qua ngày. Khi nghe thơ văn của Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực thì hai ngã Trịnh Hâm và Bùi Kiệm nghi ngờ là cổ thi chứ không phải tự mình cảm hứng phóng tác ra. Ông chủ quán tiên đoán sẽ có sự trái ngang phũ phàng do ghen tuông kèn cựa  hãm hại lẫn nhau mà ra trong 4 người học trò này?

 Quỉ Cốc tử đã bảo trước Tôn Tẫn nên phòng ngừa Bàng Quyên, nhưng Tôn Tẫn vẫn hững hờ không lưu tâm, nên bị Bàng Quyên lừa hại. Chủ quán cười to nói rằng: Tiểu nhân kèn cựa, anh hùng vùi dập là có ý nhắc nhở Lục Vân Tiên nên cảnh giác với hai tên Trịnh Hâm và Bùi Kiệm.

“Lục Vân Tiên sững sờ yêu ghét

Vẫn chưa tường  hư thiệt lẽ nào

Lão ông bao chuyện tầm phào

Ghét cay ghét đắng thấm vào não tâm

 

Đời Kiệt Trụ gian dâm sa đọa

Lệ u vương đốt hỏa phong đài

Đau thương tang tóc trần ai

Óan hờn ngũ bá dằng dai lụi tàn“

 

Kiệt, Trụ: Vua Kiệt đời Hạ, vua Trụ đời Thương. Hai ông vua tàn ác có tiếng, bị nhân dân oán ghét mà mất ngôi.

Hạ Kiệt tên Lý Quý là vị vua cuối cùng nhà Hạ trong lịch sử Tàu cổ đại. Ông được truyền thống coi như một bạo chúa và là kẻ áp bức, người mang lại sự sụp đổ của một triều đại. Kiệt bị đánh bại bởi Thành Thang, dẫn đến chấm dứt của nhà Hạ, kéo dài khoảng 500 năm, và sự ra đời của nhà Thương .

Lý Quý là con của Hạ Phát, sử sách ghi lại là ông vua hoang dâm và tàn bạo, thích gây việc chiến tranh. Khi đó, Lý Quý mang quân đi đánh nước Hữu Thi, nước Hữu Thi không chống nổi bèn dâng mỹ nữ là nàng Muội Hỉ và xin Lý Quý lui quân. Lý Quý được nàng Muội Hỷ bèn tha cho nước Hữu Thi.

Lý Quý sủng ái nàng Muội Hỉ, tăng cường bóc lột nhân dân để hưởng lạc. Sự tàn bạo của ông khiến nhiều bộ lạc nổi dậy chống lại. Bá tánh oán ghét ông nên nguyền rủa rằng:

-"Ông là mặt trời, bao giờ ông mới lặn xuống núi? Bọn ta nguyện lặn theo ông!”

Thấy nước Thương của Thành Thang giàu mạnh, Lý Quý sợ Thương chống lại nên lệnh triệu Thương Thang đến kinh đô rồi bắt và giam cầm ở Hạ Đài. Sau một thời gian, Kiệt tha cho Thương Thang, thả về bộ tộc. Thương Thang quyết tâm phát triển lực lượng để lật đổ sự cai trị của Hạ Kiệt

Trong khi đó Lý Quý vẫn tiếp tục việc chinh phạt, mang quân đi đánh đất Manh Sơn. Manh Sơn bèn theo nước Hữu Thi, dâng 2 người con gái đẹp là Uyển và Viêm để xin Hạ lui quân. Lý Quý cũng bằng lòng lui quân về và rất sủng ái hai người con gái đất Manh Sơn, lạnh nhạt với nàng Muội Hỷ

Trong khi đó Thành Thang nước Thương ngày càng lớn mạnh. Thương Thang sai Y Doãn đến kinh đô nhà Hạ trá hàng. Muội Hỷ bị Lý Quý lạnh nhạt đâm ra oán vọng. Y Doãn đã lợi dụng sự oán vọng của Muội Hỷ đã liên hệ với nàng để nắm được nhiều tin tức về nội tình triều đình nhà Hạ. Sau khi nắm được nội tình nhà Hạ, Y Doãn trở về với Thành Thang.

Trong khi Lý Quý say đắm tửu sắc thì Thương Thang tìm cách liên minh với các bộ tộc để tạo vây cánh và mang quân đánh diệt các nước chư hầu thân với Hạ như Cát, Bình Chướng Vi, Côn Ngô.

Theo kế sách của Y Doãn, Thương Thang khiêu chiến với nhà Hạ, bỏ không nộp cống cho Hạ Kiệt. Lý Quý nổi giận điều động binh mã 9 bộ tộc phía đông trước sau đánh vào bộ lạc Thương. Thang sai người đến nộp cống. Thấy Thang thuần phục, ông lại bằng lòng cho lui quân.

Thang tranh thủ thời gian tìm cách liên minh và chia rẽ 9 bộ tộc giúp quân cho Hạ Kiệt. Sang năm sau, Thang lại bỏ cống nạp. Lý Quý lại tổ chức hội các bộ lạc phụ thuộc ở Hữu Nhung[9] đánh Thương, nhưng lần này các bộ lạc không nghe theo. Bộ lạc Hữu Mân phản đối việc đánh Thương của Lý Quý. Ông nổi giận bèn mang quân đánh Hữu Mân trước. Nhân dân phải phục dịch cho cuộc chiến nặng nề càng oán hận ông hơn.

 

Thấy ông bị sa lầy vào cuộc chiến với tộc Mân, Thang quyết định ra quân diệt Hạ. Thương Thang đánh thắng Lý Quý trong trận quyết định ở Minh Điều. Hạ Kiệt thua trận, bị mất ngôi và bị đày ra Nam Sào. Ông nói với thủ hạ:

-"Ta hối hận không giết Thang ở Hạ Đài nên mới ra nông nỗi này"

Đế Tân  tên thật Tử Thụ, còn gọi là Thương vương Thụ, Thương Trụ, Thương Thụ, là vị vua cuối cùng đời nhà Thương. Ông lắm tên gọi nhưng người ta quen gọi là Trụ Vương.

 

Ông là một vị quân chủ, theo sử sách, rất trọng nông nghiệp.Thời kỳ trị vì của ông đánh dấu một xã hội triều Thương cực kỳ phát triển. Nhân đó, ông đã đem quân đi chinh phạt các nơi, đặc biệt là những người Đông Di. Do nhiều năm chinh phạt, tình hình nội trị gặp nhiều mâu thuẫn, đã tạo cơ hội cho Chu Vũ vương Cơ Phát dấy cờ, nhà Thương diệt vong.

 

Sau khi Đế Tân chết, Chu Vũ vương do muốn làm hình ảnh của ông trở nên xấu xa, đã gọi ông là Trụ Vương , nghĩa là tàn bạo gian ác. Ông thường cùng Đát Kỷ được mô tả là cặp đôi ác phu phụ, chuyên làm những việc bạo ngược tàn hại sức dân, đặc biệt là trong Phong thần diễn nghĩa, một tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng thời nhà Minh.

 

Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết ông là con của Đế Ất, từ nhỏ có tiếng thông hiểu sách vở, vẻ ngoài tráng kiệt lạ thường. Sách Tuân Tử cho biết ông từ nhỏ nổi tiếng tuấn kiệt, có thể gọi là anh hùng đương thời. Ông là em trai của Tử Khải và Tử Diễn.

 

Trong truyền thuyết, ông đủ thông minh để giành chiến thắng tất cả các cuộc tranh luận và đủ mạnh để săn thú hoang với hai bàn tay trần của mình . Khi lên ngôi, ông định đô ở Triều Ca (nay là huyện Kỳ, Hà Nam). Vốn có sức khỏe phi thường, Đế Tân siêng năng chấn hưng chính trị, khi quốc lực cường thịnh thì ông chủ trương đánh dẹp các tộc Đông di ở phương Đông.

 

Trong những năm sau này, Đế Tân chỉ biết đến rượu chè, phụ nữ, tình dục và sự thiếu đạo đức, thích cầm quân hơn là bàn chính sự trong triều. Theo Tư Mã Thiên, ông thậm chí còn tổ chức những lễ hội với nhiều người tham gia vào quan hệ tình dục cùng một lúc với các thê thiếp của ông và tạo ra các bài hát với lời lẽ thô thiển (dâm nhạc) và nhịp điệu nghèo nàn.

 

Trong truyền thuyết, ông được mô tả như là chịu ảnh hưởng của người vợ độc ác của ông là Đát Kỷ. Một trong những hình thức giải trí nổi tiếng nhất mà Đế Tân rất thích là Tửu trì Nhục lâm. Đó là một cái hồ lớn đủ chỗ cho một số chiếc xuồng, được xây dựng trên nền cung điện, với lớp lót bên trong là các viên đá hình bầu dục lấy từ bờ biển. Điều này cho phép toàn bộ hồ được lấp đầy với rượu, gọi là "Tửu Trì" (ao rượu). Một hòn đảo nhỏ được xây dựng ở giữa hồ, với các cây được trồng trên đó được treo đầy các xiên thịt thú rừng nướng treo lơ lửng trên hồ rượu dày đặc đến nỗi ánh mặt trời không xuyên qua các cây thịt xuống mặt đất được gọi là nhục lâm (rừng thịt).

 

Điều này cho phép Đế Tân, bạn bè và thê thiếp của ông lênh đênh trên những chiếc xuồng trong hồ rượu và suốt ngày đêm vui chơi ở đây đến mức không còn biết thời gian và thế giới bên ngoài. Đây được coi là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của sự suy đồi và tham nhũng của một người cai trị trong lịch sử Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng nghe lời Đát Kỷ xây Lộc Đài, là một ngôi nhà to và cao vút để từ trên đỉnh có thể thưởng ngoạn cảnh vật của đất nước.

 

Để vui lòng Đát Kỷ, ông đã nghe lời xúi giục của bà mà bày ra vô số cực hình tàn khốc mà nổi tiếng nhất là:

 

-Sái bồn: đào cái hào to và sâu, sau đó bắt thật nhiều rắn độc bỏ vào, hành hình bằng cách lột hết y phục của nạn nhân rồi xô vào bồn để lũ rắn thay nhau cắn mổ nạn nhân đến chết. Sái Bồn là nơi ông và Đát Kỷ giải sầu bằng việc bày trò đấu vật, các thái giám và cung nữ sẽ đấu với nhau, kẻ thắng sẽ được ban rượu thịt ở Tửu Trì - Nhục Lâm, ai thua sẽ bị ném xuống Sái Bồn cho rắn ăn thịt.

 

- Bào lạc: một công cụ chuyên hành hình các quan thần, đó là một ống đồng thật to rỗng ruột, bên dưới là miệng lò dùng để chụm than củi vào, hành hình bằng cách chất củi nung cho cột đồng nóng đỏ rồi đưa nạn nhân đến dí nguyên người nạn nhân vào ống đồng cho thịt da cháy khét, nạn nhân giãy chết rất thê lương.

 

Nạn nhân của các cực hình này dao động từ dân thường và tù nhân đến các quan chức chính phủ cao cấp, bao gồm cả Mai Bá. Để hỗ trợ cho sự xa hoa của Đế Tân mỗi ngày, các loại thuế cực kì nặng nề được ban hành. Dân thường phải chịu đựng rất nhiều và do đó và mất hết hy vọng cho nhà Thương. Anh trai của Đế Tân là Vi Tử cố gắng thuyết phục ông thay đổi nhưng bị quở trách. Người chú của Đế Tân là Tỷ Can cố làm điều tương tự, nhưng Đế Tân lại ra lệnh moi tim ông để xem trái tim của nhà hiền triết trông như thế nào.

 

Những hành vi tàn ác này của Đế Tân khiến cho chư hầu và các tướng dần dần xa lánh dẫn đến sự suy yếu của nhà Thương sau này.

 

“Đời thúc quý lầm than điêu đứng

Sáng đầu hàng tối dựng dân binh

Loăng quăng chẳng liệu sức mình

U mê tăm tối sinh linh chất chồng“

 

Thúc quí: đời suy loạn nói chung. Bài phú "Bạch lộc động" của Chu Hi đời Tống, trong có chữ "Thúc qui", tuy tác giả dùng chỉ chung đời suy loạn, nhưng cái thời gian xảy ra mà tác giả thuật đó, vẫn là thời gian "Ngũ quí", vậy 'Thúc quí" cũng có thể giải là đời suy loạn "Ngũ quí" tức "Ngũ đại", năm triều đại khởi lên cuối đời Ðường , hồi ấy nước Tàu bị chia cắt bởi các lãnh chúa vương tôn hoàng thân quốc thích dân rất đói khổ vì chiến tranh liên miên.

 

“Hết Tống Vệ Trần Khuông hành đạo

Chẳng tin dùng ngơ ngáo thánh nhân

Thương ông Gia Cát công thần

Xót thày Đổng Tử tủi thân Nhan Hồi“

 

Thương Hàn Dũ bầy tôi nghĩa khí

Sớm biểu thư tối bị đày xa

Liêm Pha tướng quốc lui ra

Gian thần xua đuổi về nhà tưới phân“

 

 Thánh nhân tức Khổng Tử, ông đi khắp các nước Tống, Vệ, Trần, Khuông, để tìm cách đạo hành của mình mà không được. Không nước nào muốn dùng chính sách trị quốc của ông chủ yếu là đức trị và nhân trị. Ông đề cao cái gọi là nhân nghĩa lễ trí tín chung chung, trung quân ái quốc chung chung. Ông đề cao cái đạo vua tôi cha con nghe mà lạnh gáy:

“Quân xử thần tử, phụ xử tử vong. Thần bất tử bất trung, tử bất vong bất hiếu”

Cụ Nguyễn Đình Chiểu vốn xuất thân là nhà nho, nên cụ tôn vinh ông Khổng Tử vào hàng thánh nhân. Lu Hà tôi không hề ngưỡng mộ ông Khổng Tử mà coi tư tưởng của ông cực kỳ phản động kìm hãm sự phát triển của dân tộc Trung Hoa và các nước đông nam châu Á nhất là Việt Nam. Nhưng thơ song thất lục bát vẫn cảm xúc theo trình tự diễn biến của Truyện Lục Vân Tiên.

 

Nhan Tử: tức Nhan Uyên, học trò Khổng Tử thông minh và hiếu học, đức hạnh vào bậc nhất, nhưng chết sớm, năm chết mới 32 tuổi thày và bạn hữu rất thương tiếc.

 

Gia Cát tức là Gia Cát Lượng tên tự Khổng Minh, thời Tam quốc, có tài chính trị, nhất là binh pháp làm quân sư cho Lưu Bị, nhưng cố chấp không thức thời cố đấm ăn xôi chỉ muốn khôi phục cơ nghiệp nhà Hán, nhưng khi Khổng Minh chết, nước vẫn còn bị chia ba: Thục, Ngụy, Ngô. Cuối cùng toàn v ẹn l ãnh thổ lọt vào tay con cháu Tào Tháo rồi lại qua tay con cháu Tư Mã Ý lập ra nhà Tấn.

 

Ðổng Tử: Ðổng Trọng Thư, một nhà đại nho đời Hán, có tài đức hơn người vua Hán cử làm Giang Ðô tướng, nhưng rồi lại giáng chức và có lần bị bắt giam, sau ông cáo quan về.

 

Hàn Dũ: Người đời Ðường, đỗ tiến sĩ, làm đến chức Lại Bộ Thị Lang. Vì làm biểu can vua Ðường đừng mê tín đạo Phật (vua rước xương Phật vào trong cung để cúng lễ), nên bị giáng chức và đầy đi xa. Ông là người đạo đức văn chương nổi tiếng, có nhiều tác phẩm hay truyền lại, các học giả coi ông như Thái Sơn (ngọn núi cao hơn các núi khác) Bắc đẩu (chòm sao sáng hơn các sao)

 

Liêm Pha là danh tướng thời Chiến Quốc trong lịch sử Tàu. Ông từng làm tướng nước Triệu, nước Ngụy và nước Sở.

Nước Triệu theo kế hợp tung của nước Yên cùng đánh Tề Mẫn vương kiêu ngạo, Liêm Pha được Triệu Huệ Văn vương cử làm tướng đi đánh Tề dưới quyền tổng chỉ huy của tướng Yên là Nhạc Nghị. Liêm Pha phá tan quân Tề, lấy ấp Dương Tấn về nước Triệu. Nước Tề sau đó bị nước Yên đánh bại.

Liêm Pha được làm thượng khanh, dũng khí của ông nổi tiếng ở các nước chư hầu.

 

Khi đó Lạn Tương Như vốn xuất thân chỉ là người phục vụ dưới quyền hoạn quan Mục Hiền, nhờ việc đi sứ nước Tần bảo toàn được ngọc bích và uy tín của nước Triệu trước nước Tần hùng mạnh nên được phong làm thượng đại phu. Nước Tần hứa đổi 15 thành lấy ngọc bích họ Hoà của nước Triệu nhưng không thực hiện lời hứa, kết quả nước Triệu cũng không đem ngọc bích cho Tần.

 

Vua Tần bực nước Triệu không chịu dâng ngọc bèn đánh Triệu, lấy Thạch Thành. Năm sau lại đánh Triệu, giết hai vạn người. Sau đó vua Tần sai sứ giả nói với Triệu Vương muốn họp nhau ở Dẫn Trì, ngoài Tây Hà để giảng hoà. Vua Triệu sợ nước Tần hung hãn, từng bắt giữ Sở Hoài vương khi đến hội họp nên định không đi. Liêm Pha và Lạn Tương Như bàn rằng:

-“ Nhà vua không đi thì tỏ ra nước Triệu yếu và nhát”

 

Vua Triệu nghe theo, bèn đến hội họp. Lạn Tương Như đi theo phò tá vua Triệu. Liêm Pha tiễn đến biên giới, từ biệt nhà vua nói:

-“ Nhà vua đi, tính đường đi về cùng hội họp, chẳng quá ba mươi ngày, nếu ba mươi ngày không về, xin lập thái tử làm vua để cho Tần hết hy vọng”

 

Triệu Huệ Văn vương nghe theo kế sách.

 

Trong thời gian Triệu vương và Lạn Tương Như đối đầu với vua quan nước Tần ở Dẫn Trì, Liêm Pha coi giữ nước Triệu, không gặp biến cố nào.

 

Hay nhất là đoạn Liêm Pha biết tạ lỗi với Lạn Tương Như. Lạn Tương Như có công phò tá vua Triệu hội kiến vua Tần ở Dẫn Trì khiến nước Tần không dám chèn ép nước Triệu nên được vua Triệu phong làm thượng khanh, địa vị trên cả Liêm Pha.

 

Liêm Pha bất mãn nói:

-“Ta là tướng nước Triệu, phá thành đánh trận có công to, trái lại Tương Như chỉ nhờ miệng lưỡi lập công mà địa vị ở trên ta. Hơn nữa, Tương Như vốn người thấp hèn, ta xấu hổ không mặt mũi nào ngồi ở dưới ông ta”

Và ông rêu rao rằng:

“ Ta gặp Tương Như, quyết làm nhục ông ta”

 

Tương Như nghe vậy, chủ động tránh không gặp Liêm Pha. Về sau, ông nghe mọi người nói lại lời Tương Như giải thích rằng:

-“Oai như vua Tần mà Tương Như dám gào thét ở giữa triều đình, làm nhục cả quần thần. Tương Như tuy hèn nhát há sợ Liêm tướng quân sao. Nhưng ta nghĩ rằng nước Tần sở dĩ mạnh, không đem binh lính đánh Triệu vì có ta cùng Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đánh nhau, thế nào cũng không sống được cả, cho nên ta phải làm như thế, vì nghĩ đến việc cấp bách của nước nhà trước mà gác việc thù riêng đó thôi”

 

Liêm Pha nghe vậy ân hận, nhận ra lỗi của mình. Ông bèn cởi trần, mang roi nhờ tân khách đưa đến cửa nhà Lạn Tương Như tạ tội, nói:

 

 Kẻ hèn mọn này không biết tướng quân rộng lượng đến thế! Rồi từ đó hai người vui vẻ làm bạn sống chết có nhau.

 

Bấy giờ một tướng giỏi khác là Triệu Xa đã chết, Lạn Tương Như lại mắc bệnh nặng, vua Triệu sai Liêm Pha cầm quân đánh Tần.

 

Liêm Pha ra trận đụng độ với Vương Hột, quân Tần mạnh mẽ mấy lần đánh bại quân Triệu. Liêm Pha biết thế quân Triệu yếu hơn nên cố thủ giữ thành không đánh. Quân Tần mấy lần khiêu chiến, Liêm Pha vẫn không chịu đánh. Vua Tần Chiêu Tương Vương bèn dùng kế phản gián, phao tin rằng:

-“Tần chỉ sợ một mình Triệu Quát, con Mã Phục quân Triệu Xa mà thôi“

 

Triệu Hiếu Thành vương nghe thế, nghĩ rằng ông nhút nhát không chịu đối trận với quân Tần và Triệu Quát tài hơn ông, nên định cho Quát ra thay ông. Lạn Tương Như can:

-“Nhà vua dùng Quát cũng chỉ vì nghe danh ông ta cũng như gắn trục đàn mà gảy đàn thôi. Quát chỉ biết đọc sách của cha để lại, không biết ứng biến đâu”

 

Mẹ Triệu Quát cũng đưa thư nói rằng Quát không thể nối được cha nhưng vua Triệu không nghe, cho Quát làm tướng, ra mặt trận thay Liêm Pha. Kết quả Triệu Quát bị tướng Tần là Bạch Khởi đánh đại bại ở Trường Bình. Quát tử trận, hơn 40 vạn quân Triệu bị chôn sống.

 

Thừa thắng quân Tần vây kinh đô Hàm Đan của nước Triệu hơn một năm, nước Triệu nguy cấp vì tổn hại lớn về nhân sự. Nhờ có các nước Sở, Ngụy đến cứu nên mới giải được vây ở Hàm Đan.

 

Sau khi Liêm Pha không được cầm quân ở Trường Bình phải về, ở vào lúc thất thế, khách khứa đều bỏ đi hết. Sau khi Triệu Quát thảm bại, ông mới được dùng trở lại thì khách khứa lại đến. Liêm Pha giận nói:

-“Các vị hãy rút lui cho!“

 

Những người khách nói:

-“ Ô! Sao ngài thấy việc muộn thế, đạo bạn bè trong thiên hạ, kết bạn với nhau như lối con buôn, trò giao dịch ngoài chợ. Khi ngài có thế thì chúng tôi theo, ngài không có thế thì chúng tôi đi, cái đó là lẽ dĩ nhiên chứ có gì đáng giận!“

 

Những người trai tráng của Triệu đều chết ở Trường Bình, bọn con mồ côi chưa lớn. Hãy nhân lúc này đánh Triệu. Vua Yên nghe theo kế sách của bề tôi dưới trướng, bèn sai Lật Phúc đem quân đánh Triệu. Triệu Hiếu Thành vương sai Liêm Pha làm tướng ra đánh. Liêm Pha phá tan quân Yên ở Hạo, giết chết Lật Phúc. Sau đó ông thừa thắng kéo quân đang đánh nước Yên, vây kinh thành nước Yên. Vua Yên phải cắt năm thành để cầu hoà.

 

Liêm Pha rút quân về. Liêm Pha nhờ có công, được vua Triệu lấy đất Úy Văn, phong cho Liêm Pha làm Trú Bình Quân, làm quyền tướng quốc.

 vua Triệu sai Liêm Pha đánh đất Phồn Dương của nước Ngụy. Ông đánh chiếm được Phồn Dương.

 

Triệu Hiếu Thành Vương mất, con là Điệu Tương Vương lên ngôi. Điệu Tương vương trọng dụng con Nhạc Nghị là Nhạc Thừa, tước quyền của Liêm Pha và cho Thừa thay Liêm Pha. Liêm Pha tức giận, mang quân đánh Nhạc Thừa. Nhạc Thừa bỏ chạy.

 

Liêm Pha đành chạy sang đất Đại Lương của Ngụy. Liêm Pha ở Đại Lương một thời gian lâu nhưng vua Ngụy Cảnh Mân vương không tin dùng.

 

Trong khi đó, nước Triệu thường bị khốn về quân Tần, Nhạc Thừa không đủ tài cự quân Tần. Vua Triệu lại nghĩ đến việc dùng Liêm Pha. Bản thân Liêm Pha cũng muốn trở lại đắc dụng ở Triệu. Lúc đó Liêm Pha tuổi đã cao, vua Triệu sợ rằng sức ông đã yếu nên sai sứ giả xem Liêm Pha còn khoẻ mạnh hay không.

 

Gian thần Quách Khai nước Triệu vốn là kẻ thù của Liêm Pha, cho sứ giả nhiều vàng, bảo sứ giả hãy nói xấu ông với vua Triệu.

 

Sứ giả của Triệu vương đến Ngụy ra mắt Liêm Pha. Liêm Pha nóng lòng về nước nên ra sức ăn một đấu gạo, mười cân thịt trong một bữa cơm, rồi ông mặc áo giáp lên ngựa chạy mấy vòng để tỏ rằng mình còn khoẻ mạnh. Tuy nhiên sứ giả nước Triệu vì đã ăn của đút của Quách Khai nên trở về báo với Triệu vương:

“ Liêm tướng quân tuy già, ăn còn khoẻ, nhưng khi cùng thần ngồi trong khoảnh khắc thì ba lần đi đại tiện”

Vua Triệu thất vọng, cho rằng ông đã già và mang bệnh nên không triệu ông về nữa về.

 

Vua Sở là Khoảnh Tương vương nghe tin Liêm Pha ở Ngụy, cũng ngưỡng mộ ông, bèn ngầm cho sứ đón về. Liêm Pha làm tướng nước Sở nhưng những người dưới quyền không theo nên ông không lập được công lao. Ông buồn bã nói:

-“ Ta ước được dùng người Triệu”

 

Sau đó Liêm Pha phẫn chí chết ở Thọ Xuân thuộc nước Sở, thật là đáng tiếc.

Ở bên Tàu có chuyện mưu sĩ Lạn Tương Như và tướng quân Liêm Pha biết xoá bỏ hiềm khích cá nhân để lo toan mưu đồ quốc sự thì ở Việt Nam cũng có câu chuyện rất hay về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Thái Sư Trần Quang Khải cũng chẳng kém gì?

 

Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là con của Khâm Minh đại vương Trần Liễu, Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải là con của Thái Tông hoàng đế, theo quan hệ huyết thống thì Thái Tông là em ruột của Khâm Minh đại vương. Hưng Đạo vương và Chiêu Minh vương cùng với Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang đều là anh em nửa dòng máu. Ngoài mâu thuẫn giữa dòng chính và dòng thứ, giữa hai ông còn có cả mối bất hòa cá nhân.

 

Cuối năm 1257, Hưng Đạo vương được cử làm chỉ huy các đạo quân thủy bộ ở biên giới, lập nhiều công lao cho triều đình. Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi được quân Nguyên Mông, ông vẫn giữ nguyên tước cũ và trở về thái ấp ở Vạn Kiếp. Trong khi đó, không lâu sau Trần Quang Khải được phong tước Đại vương, và thăng làm Thái úy.

 

Khi vua Trần Thánh Tông thân chinh đánh các bộ tộc thiểu số ở động Nẫm Bà La (nay thuộc Quảng Bình). Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế Thừa tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thượng hoàng Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo:

- "Thượng tướng đi theo hầu vắng, trẫm định lấy khanh làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc"

 

 Quốc Tuấn trả lời:

"Việc tiếp sứ giả, thần không dám từ chối, còn như phong thần làm Tư đồ thì thần không dám vâng chiếu. Huống chi Quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu mà bệ hạ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng Quan gia và Quang Khải. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".

 

  Đến khi Thánh Tông trở về, việc ấy lại bỏ đấy, vì hai người vốn không ưa nhau.

 

Năm 1278, vua Trần Thánh Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông. Đầu năm 1281, sứ nhà Nguyên là Sài Thung đến Thăng Long đòi vua Trần sang chầu. Thung tỏ thái độ rất ngạo mạn.

           

 

Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Thung nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Thung đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Thung cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Thung ra cửa tiễn ông.

 

Nhờ cách ứng xử khéo léo của Hưng Đạo Vương, Sài Thung thay đổi thái độ. Khi Sài Thung về lại Bắc Kinh, Trần Quang Khải đã làm tặng một bài thơ, trong đó có câu:

“Vị thẩm hà thời trùng đỗ diện

 Ân cần ác thủ tự huyên lương”

Có người dịch ra là:

“Chưa biết ngày nào cùng tái ngộ

Để ân cần tay nắm chuyện hàn huyên“

 

Cuối năm Thiệu Bảo thứ 4 , vua Trần Nhân Tông thăng chức Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư, nắm cả quyền quân sự lẫn hành chính. Tuy vậy, trước tình hình áp lực nhà Nguyên gia tăng, cuối năm Thiệu Bảo thứ 5 (1283), triều đình tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc. Như vậy, về thực quyền quân sự, Hưng Đạo Vương trở thành cấp trên của Chiêu Minh Đại vương.

 

Mối bất hòa giữa 2 chi họ cũng như bất hòa cá nhân giữa 2 người trở thành một hiểm họa sâu sắc. Nhận ra điều này, Hưng Đạo vương chủ động tìm cách giải hòa. Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:

-"Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm", rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:

-"Hôm nay được tắm cho Thượng tướng". Quang Khải cũng nói:

 - "Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho". Và từ đó hai ông trở nên thân mật, mọi hiềm khích cá nhân được hòa giải để hợp sức chống quân Mông Cổ.

 

“Qua sử sách kinh luân mấy lượt

Nửa ghét còn sướt mướt nửa thương

Trực khen chùa rách khói hương

Ai hay trong quán cương thường nho gia

 

Lại cam chịu tuổi già hiu quạnh

Chẳng giúp đời đáng trách lắm ru?

Lão cười Sào Phủ Hứa Du

Di Tề rau má thiên thu ngậm hờn“

 

Sào phủ, Hứa Du: hai nhà hiền triết thời vua Nghiêu, ở ẩn, cày ruộng tự túc. Vua Nghiêu nhường ngôi cho Hứa Du. Du không nhận trốn lên núi Cơ-Sơn. Sau vua Nghiêu lại sai người đến mời ra làm Cửu Châu Trưởng. Du không muốn nghe, cho lời nói đó làm bẩn tai mình, bèn xuống sông ÐĩnhThủy rửa tai. Vừa lúc ấy thì Sào Phủ cho trâu xuống uống nước, Hứa Do kể chuyện cho bạn nghe, Sào Phủ liền dắt trâu lên trên dòng cho trâu uống, vì sợ uống nước ngay chỗ bẩn đó làm bẩn miệng trâu. Câu này nói: giỏi như Nghiêu, Thuấn thuở xưa cũng không thể đem phu quí mà thay đổi hai nhà hiền triết.

 

Di Tề là hai ông Bá Di, Thúc Tề, hai con vua nước Cô Trúc, chư hầu nhà Thương. Bá Di là con cả, Thúc Tề là con thứ ba, khi cha mất dặn lập Thúc Tề lên ngôi, nhưng Thúc Tề nhường ngôi Bá Di, vì Bá Di là trưởng. Bá Di không nghe, bảo phải theo mệnh cha, rồi bỏ trốn đi. Thúc Tề cũng không nhận ngôi mà bỏ đi, người trong nước lập con trai thứ hai làm vua. Khi Vũ Vương đánh Trụ (vua nhà Thương), Di, Tề dằng cương ngựa mà can ngăn, bảo tôi đánh vua là lỗi đạo (Vũ Vương là chư hầu, Trụ là thiên tử). Sau Vũ Vương thắng được Trụ, diệt nhà Thương lập nên nhà Chu. Di, Tề không thèm ăn gạo thóc của nhà Chu, lên ẩn núi Thủ-Dương, kiếm rau vi mà ăn, rồi chết đói ở đó. Tích truyện bên Tàu viết vậy cốt chỉ để ca ngơi nghĩa vua tôi, thiên tử và chư hầu theo đúng đạo của Khổng Tử. Cụ Nguyễn Đình Chiểu là một người Khổng Phu Tử, nên làm thơ ca ngợi hai ông Bá Di và Thúc Tề. Tôi là kẻ hậu bối cũng giả danh là nho sinh làm thơ song thất lục bát ca ngợi hai ông này theo giọng điệu miệng lưỡi ông lão bán cơm. Nhưng thực lòng tôi nghĩ hai ông này là hai ngã khùng không thức thời  xóa bỏ nhà Thương đồi bại bởi Trụ Vương hoang dâm vô đạo. Thiên tử quái gì?

 

26.12.2019 Lu Hà

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét