Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Bình Giảng Thơ Lu Hà Do Thu Hà Diễn Ngâm Phần 141

Trung Hiếu Nghĩa Hiệp

“ Video 9“

 

Hôm nay vào trang Facebook của tôi thấy Thi sĩ Nguyễn Thanh Hoàng comment rằng:

-“Đã có người ngâm thơ của Thi sĩ Lu Hà rất hay ! Chắc Thi nhân hứng khởi lắm thay!“

 

Tôi trả lời Đại ca ngay:

“Đúng vậy, Anh Thanh Hoàng ạ, nguồn cảm hứng đến từ tha nhân, đến từ đại ngã của nhân loại và vũ trụ. Con người chỉ là một tiểu ngã. Sự xuất thần của thơ ca văn chương triết học khoa học và mọi sáng tạo tinh thần chưa hẳn đã là của riêng ai? Nếu không có hàng triệu hàng tỉ người khác đã chọn lọc nâng đỡ tinh thần dồn tất cả cho anh ta bằng một năng lực hấp dẫn vô hình. Làm thơ được ai đó ngâm, hay phổ nhạc là một vinh hạnh khi anh ta còn sống trên cõi đời này.

 

Người Việt Nam không biết từ khi nào lại ích kỷ hẹp hòi thiển cận chỉ thích chê bai hằn học căm thù nhau một cách vô lý. Vì sao Lục Vân Tiên đã mù lòa rồi không còn khả năng để tranh giành hơn thua mà Trịnh Hâm còn muốn giết haị? Vì sao Hitler muốn giết hại hàng triệu nguời Do Thái? Do sự khiếm khuyết dị tật bẩm sinh mà Hiler muốn tạo giống chọn người bắc Âu làm tiêu chuẩn cho toàn nước Đức, cho quân lính đi bắt cóc những đứa trẻ mắt xanh tóc vàng về nuôi?

 

Em không nhớ rõ Khổng Tử nói hay Tuân Tử nói một câu đại ý là: “Ai chê ta mà chê đúng là thày của ta, ai khen ta mà khen đúng là bạn của ta, ai khen ta mà khen đểu là kẻ thù của ta”

 

Ta làm thơ ai ngâm thơ ta là tri âm tri kỷ tri bỉ của ta. Ai nhấn like thật lòng động viên ta thì là bạn thân hữu của ta.

 

Em làm thơ song thất lục bát về cuộc đời Lục Vân Tiên là món quà tặng cho đồng bào miền Nam chân thật thương yêu. Thật ra thơ lục bát của cụ Nguyễn Đình Chiểu rất khó ngâm mà chỉ diễn đọc là phù hợp như lối kể chuyện thơ răn dạy con người ta ăn ở sao cho phải đạo. Truyện Lục Vân Tiên vẫn giữ được vị trí của nó trong nền văn học Việt Nam. Với ngôn ngữ bình dân gần gũi nên mọi tầng lớp trong xã hội đều dễ nhớ, có khi thuộc cả bài thơ. Ảnh hưởng của nó còn lan rộng ra cả toàn quốc, được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như "kể thơ", "nói thơ Vân Tiên", "hát Vân Tiên" ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ.

Đồng bào Nam Kỳ lục tỉnh ngày xưa có câu những ca dao:

“Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên

Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên

 

Má hồng mình cũng như ta

Đêm nằm thơ thẩn vào ra một mình

Em thương hay không tự ý của mình

Không phải anh như Bùi Kiệm ép duyên tình Nguyệt Nga

 

Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,

Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng.

Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,

Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.“

 

Chính vì vậy em chưa thấy có nghệ sĩ ngâm thơ nào ngâm, kể cả các nghệ sĩ nhà nghề như Hồng Vân hay Thúy Mùi, Bạch Tuyết gì đó. Vậy Truyện Lục Vân Tiên như trên đã viết chỉ có các bà má, các lão ông miệt vườn miền Nam thường hay đọc tấu cho con cháu nghe.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu hay dùng lối viết đoản văn vần, khẩu ngữ, đối thoại như: Tiên rằng… Hâm rằng… Kiệm rằng…. Quán rằng…. Cụm từ này lặp đi lặp lại nhiều lần trong thơ theo em là tối kỵ Anh Thanh Hoàng ạ.

Công của cụ Đồ Chiểu rất lớn, nhờ có cụ mà em mới có tập Trung Hiếu Nghĩa Hiệp. Nhờ có Đặng Trần Côn viết bản chữ Hán mà có bản chữ Nôm về Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm.

 

Nguyễn Đình Chiểu xuất hiện như một vì sao văn thơ chữ Nôm miền Nam vào giữa thế kỷ 19. Trong khi các triều vua Nguyễn chủ trương bỏ Nôm học chữ Hán, chế độ quan trường tham nhũng hủ bại ăn của đút lót. Tài lỗi lạc như Cao Bá Quát, Trần Tế Xương v. v… luôn bị đánh trượt. Những chủ trương tiến bộ của vua Quang Trung thì đều bị vua Gia Long làm ngược lại vì lòng căm thù cá nhân quá sâu sắc mà sinh mù quáng.

 

“Hồn kẻ sĩ chập chờn đây đó

Kìa hai ông Y Phó ôm tài

Lánh xa mũ áo cân đai

Kẻ cày người cuốc đoái hoài chi đâu?“

 

 Y Doãn và Phó Duyệt, hai nhà hiền tướng đời Thương, cả hai đều hận đời, ôm tài đi ở ẩn. Y Doãn cày ruộng kiếm ăn, vua Thang ba lần mời ra làm tướng, mãi ông mới chịu ra, giúp Thang gây dựng cơ nghiệp nhà Thương. Phó Duyệt làm nghề đắp tường thuê, vua Cao Tông nhà Ân (tức nhà Thương) sai người đi cầu về, lập làm tướng, có chính sách hay, trị quốc an dân.

 

“Chẳng luồn cúi công hầu vương bá

Thái công xưa câu cá đợi người

Bên bờ sông Vị ngồi chơi

Nghiêm Lăng cáo biệt chọn đời thảnh thơi“

 

Thái Công họ Khương, tên Thượng, tên tự là Tử Nha. Người đời gọi là Khương Tử Nha. Tổ tiên đời trước có công được phong đất Lã, nên theo đất phong cũng gọi là Lã Thượng. Bậc đại hiền tài cuối đời Thương, tuổi đã hơn tám mươi, thường ngồi câu cá trên sông Vị. Văn Vương ông tổ nhà Chu đi săn, gặp Thái Công và rước luôn về, có nói rằng:

-"Ngô Thái Công vọng tử cửu hĩ"

 Nghĩa là cha tôi mong ông đã lâu, trước cha tôi  thường mong có bậc thánh nhân đến giúp nhà Chu, nay được Thái Công, quả như điều mong muốn đó. Nhân gọi ông là Thái Công Vọng (sau chuyển ra là Lã Vọng), rồi lập làm Quân Sư, tôn làm Thái Công như cha, gọi là Thượng Phụ (người kính trọng ngang với cha). Thái Công đã giúp Văn Vương và con là Vũ Vương lập nên nghiệp lớn nhà Chu.

 

 Nghiêm Quang tên tử là Tử Lăng, một ẩn sĩ đời Hán, bạn thân với Lưu Tú dòng dõi vua Hán. Khi Tú dẹp được loạn Vương Mãng (Mãng cướp ngôi nhà Hán), lên làm vua tức là Quang Vũ, Tử Lăng đổi họ tên đi ẩn náu. Quang Vũ sai người tìm kiếm mãi mới thấy ông mặc áo cừu ngồi câu cá trên một cái đầm ở nước Tề. Quang Vũ mời ra làm quan, mấy lần Tử Lăng đều kiên quyết từ chối. Sau cùng, Quang Vũ khẩn khoản mãi, Tử Lăng có ra chuyện trò với Quang Vũ mấy ngày. Tử Lăng nằm cùng giường với vua, gác chân lên bụng vua như bạn bè rồi mới về, trọn đời cày ruộng nơi Phú Xuân và câu cá ở bến sông Ðồng-Giang gần bên núi. Ðã mấy đua bơi: ý nói đã bao lâu vẫy vùng nơi sông núi mình ở .

 

Cụ Nguyễn Đình Chiểu viết rất hay bằng thơ lục bát:

 

Ông Y, ông Phó ôm tài

Kẻ cày người cuốc đoái hoài chi đâu

Thái Công xưa một cần câu

Hôm mai sông Vị mặc dầu vui chơi

 

Nghiêm Lăng đã mấy đua bơi

Cày mây cầu nguyệt tả tơi ao cầu

Trần Ðoàn chẳng phút lo âu

Gió trăng một túi, công hầu chiêm bao

 

Người nay có khác xưa nào

Muốn ra ai cấm, muốn vào ai ngăn

 

Cày mây cầu nguyệt nghĩa là cày trong mây tức ở trong núi với câu gió trăng một túi ý nói cày ruộng câu cá với cảnh mây trăng thanh cao ẩn dật. Tả tơ áo cầu. Đúng ra chữ cầu  ta thường đọc là "cừu",nghĩa là áo làm bằng da thú như dê, cừu, cáo...  Nói lên rằng giống như Lã Vọng, Tử Lăng ngồi câu đã lâu năm, áo cừu đã rách bươm.

 

“Áo da cừu tả tơi tới nách

Thời thế đành xa cách quân vương

Trần Đoàn ẩn dật Vũ Dương

Trăng soi đỉnh núi xông hương lên trời“

 

Trần Ðoàn tên tự là Ðồ Nam, hiệu Hi Di, người đời Tống, ẩn núi Hoa-Sơn, tinh môn học dịch, tài đoán số mệnh, tu luyện đạo tiên, không ăn cơm gạo, giấc ngủ thường trăm ngày chưa dậy. Vua Thái Tông nhà Tống mấy lần mời ra làm quan, Trần Ðoàn không nhận, có bài tạ biểu lời lẻ rất kiên quyết.

 

“Túi thơ ngâm cảnh đời phong nguyệt

Thất hiền kia tha thiết Trúc Lâm

Trợn trừng cáu gắt Trịnh Hâm

Cằn nhằn Bùi Kiệm tím thâm mặt mày“

 

Thất hiền là 7 vị hiền tài trong rừng trúc. Trúc Lâm Thất Hiền là thành ngữ dùng để chỉ bảy người hiền sinh sống vào khoảng cuối đời nhà Ngụy, đầu nhà Tấn ở bên Tàu ngày xưa. Bảy người hiền đó là các ông: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung và Nguyễn Hàm

 

Đây là nhóm Thanh đàm của Đạo gia, bàn về những vấn đề thanh cao, những tư tưởng siêu việt. Đây cũng là nhóm đại diện cho phong trào sống nghệ thuật phong lưu theo tự nhiên, để cho tình cảm lãng mạn nẩy nở tự do, không chịu gò ép trong lễ nghi hay giới luật. Gọi là Trúc Lâm Thất Hiền vì bảy ông này hay gặp nhau ở rừng trúc đàn ca, ngâm vịnh, bàn bạc văn chương và say túy lúy sa lánh thói đời đen bạc ô trọc.

 

Cả cụ Nguyễn Đình Chiểu và Lu Hà tôi đều mượn lời ông lão bán cơm để nói tâm lý kẻ sĩ xu thời mẫn thế trước cảnh nhiễu nhương tao loạn. Kẻ bất tài lên làm quan, hiền tài không trọng dụng phải ở ẩn. Chuyện bên Tàu hay bên Việt Nam thời nhà Nguyễn đều rứa cả. Hai tên tiểu nhân Trịnh Hâm và Bùi Kiệm đều không muốn nghe, chúng tỏ ra cáu bẳn khinh ghét ông lão bán cơm lắm lời.

 

“Lão bán cơm làm thày thiên hạ

Thật nực cười rổ rá nong nia

Nông phu quen thói chầu rìa

Thuốc lào một mắm râu ria một chùm“

 

Ông lão cũng không vừa mới chế diễu lại rằng:

 

“Chủ quán cười tùm hum thân ếch

Đáy giếng ngồi biết đếch gì đâu

Uổng thay đàn gảy tai trâu

Nước lăn đầu vịt vảy gầu chân heo“

 

Còn Lục Vân Tiên lại tỏ ra thích thú tâm đắc với ông lão mới khôi hài đùa vui là:

 

“Lục Vân Tiên hắt heo gió thổi

Rừng Trúc Lâm nóng hổi bảy người

Tiện đây vui chén rượu cười

Cùng nhau kết bạn chẳng dời xa nhau

 

Mặc công danh nhuốm màu phú quý

Chốn quan trường quỵ lụy một khi

Giờ đây thong thả nhâm nhi

Tránh xa đố kỵ thầm thì nhỏ to“

 

Lục Vân Tiên đề nghị kết là 4 anh em sĩ tử cùng chung lòng đi thi mong được đỗ đạt trổ tài vì dân vì nước. Nhưng Trịnh Hâm và Bùi Kiệm ngoài mặt tỏ ra thân thiện với Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực nhưng trong lòng chúng ghét cay ghét đắng.

 

“Kiệm Hâm vốn so đo nhỏ mọn

Khoa thi này sợ són ra quần

Võ công sao đấu sức thần

Trực Tiên mới thực văn nhân kỳ tài

 

Văn sơ khảo dằng dai thi võ

Lục Vân Tiên chống đỡ Trịnh Hâm

Long tranh hổ đấu sấm gầm

Trịnh tung ám khí âm thầm bắn xiên

 

Tiên sơ ý  nhắm nghiền mắt lại

Tiếng tiểu đồng tê tái kêu la

Cậu ơi! Cấp báo tin nhà

Hình như bà đã đi xa mất rồi!

 

Mở phong thư kêu trời thảm thiết

Bỏ khoa thi nhất quyết trở về

Hai hàng nước mắt dầm dề

Máu pha bụi tóc chẳng hề hay chi

 

Vào trong quán lễ nghi sắm sửa

May áo tang chọn lựa khăn sô

Công danh phút chốc ô hô!

Âm dương cách trở nhấp nhô sóng dồi

 

Chàng tuấn kiệt nổi trôi mũ bạc

Thắt dây rơm ngơ ngác chim muông

Bóng tà văng vẳng tiếng chuông

Cứ theo trong sách văn công lần hồi

 

Hồn bằn bặt than ôi chẳng biết

Tỉnh rồi mê vĩnh biệt mẹ hiền

Đau đớn thay, Lục Vân Tiên

Khóc rồi dụi mắt mờ liền một khi

 

Vương Tử Trực vân vi khuyên giải

Dặn tiểu đồng trở lại Đông Thành

Thuốc thang cậu chóng mau lành

Thày trò lần bước kinh thành Trường An“

 

Cả 4 người vào trường thi, trước hết sơ khảo về môn văn sau thi võ trên võ đài. Trịnh Hâm đêm hôm trước đã bí mật cắt một nhúm tóc mình đốt thành tro than trộn với phân và nước tiểu, thêm các thứ nhựa cây cực độc và mủ cóc thành một thứ ám khí hỗn hợp dấu trong tay áo. Sau khi Lục Vân Tiên tung quyền cước hạ mấy đối thủ, đến khi thi đấu với Trịnh Hâm vì nghĩ tình huynh đệ nên Lục Vân Tiên có nương tay. Họ Trịnh giả vờ ngã xuống, Lục Vân Tiên tiến tới định đỡ dậy thì bị ám khí phóng ra trúng mắt. Cũng lúc đó thì tiểu đồng lại kêu to lên: Cậu ơi! Bà ở nhà không xong rồi….Lục Vân Tiên phải bỏ dở trận đấu, tiếp đến là những chuỗi ngày khổ nạn. Xin mời các bạn xem video 10 và đọc bình giảng tiếp hồi sau sẽ rõ thêm.

 

27.12.2019 Lu Hà

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét