Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Trở Ra Miền Bắc (4)


Truyện kể của Lu Hà phần 4

Tôi về quê thăm ông bà chú thím họ mạc hai bên nội ngoại 3 ngày thì trở lại Hà Nội ngay. Tôi bỗng nhớ cô bạn có đôi mắt to bồ câu, từng hớp hồn tôi. Tôi mới ghé thăm nhà nhưng cô lại chê tôi là một ngã nhà quê, bộ đội đen thui lẩn tránh đi không thèm tiếp và đẩy bà mẹ ra nói chuyện bâng quơ với tôi. Tôi thấy ngao ngán tủi thân vô cùng mà rơm rớm nước mắt. Sau này khi tôi đi học nghề hơn 3 năm ở Đức về thì chính cô lại cua xe đạp đón đường tôi mà rơm rớm nước mắt, tôi thấy cô sồ sề quá và tôi lại ngao ngán chán cô, chả có thời gian đâu mà đứng đường nói chuyện dằng dai. Với cô tôi chỉ có một bài thơ ngắn ngủi làm kỷ niệm, tình ta chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu thôi. Dù sao thơ cũng từ đáy lòng tâm hồn thi sĩ của tôi viết ra:



Chiều Mưa Hà Nội
cảm hứng bài hát của Trương Qúy Hải: Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa

Năm tôi mười tám tuổi
Lần đầu đến nhà chơi
Thẹn thùng không dám nói
Cháu vào đây ngồi chơi

Mẹ em cũng biết duyên
Tôi đã thầm yêu em
Nhưng tuổi đời chưa chín
Nên chẳng dám nói lên

Hai ta cùng một lớp
Tôi cũng chẳng khôn nhiều
Nên tình tôi câm lặng
Không dám ngỏ chữ yêu

Hà Nội một chiều mưa
Còn mưa đến bao giờ
Ta sánh đôi cùng bước
Hạt mưa lòng ngẩn ngơ

Rồi tôi đi bộ đội
Em đã tới nhà chơi
Tuổi cũng vưà mười tám
Đôi vầng trăng vàng soi

Những năm dài Trường Sơn
Còn thổn thức nguồn cơn
Tự trách mình nhút nhát
Nơi rừng sâu tủi hờn

Sau ba năm tôi về
Em chê tôi nhà quê
Để mẹ ngồi tiếp chuyện
Mà lòng tôi tái tê

Khi em đã có chồng
Quay xe em cản đường
Có nỗi niềm tâm sự
Nước mắt chảy đôi dòng...!

viết khoảng thời gian năm 2007 Lu Hà


Hết thời hạn nghỉ phép, tôi lên tàu đáp thẳng một mạch từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Tôi vui lắm ngồi trên tàu nhìn quang cảnh sông nước, đồng ruộng bao la, rồi ngâm nga:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết lời em dặn dò….

 Trường văn hóa Lạng Sơn là nơi tuyển chọn đào tạo nhân tài cho quân đội nhân dân Việt Nam gồm hai hệ: Hệ kỹ thuật và hệ chỉ huy. Ai học hệ kỹ thuật khối A sau này sẽ thi vào trường đại học kỹ thuật quân sự, khối B sau này sẽ thi vào đại học quân y. Còn hệ chỉ huy sẽ đi học các trường sĩ quan như thông tin, hậu cần, lục quân, pháo binh, công binh, hải quân v. v…Ngoài ra trường còn bổ túc văn hóa cho các sĩ quan thuộc mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay các sĩ quan cộng sản bắc Việt từ thiếu úy đến cấp thượng tá. Tôi thấy cả chị Quyên vợ anh chàng Nguyễn Văn Trỗi mưu sát tướng Robert Mcnamara trên cầu Công Lý không thành bị chính quyền Sài Gòn xử bắn, phim tài liệu của quân đội Sài Gòn chiếu vãi đái ra quần khác hẳn phim truyện do Hà Nội đóng giật mảnh băng đen bịt mắt, còn gọi ông Hồ Chí Minh gì đó 3 lần.

Lớp tôi học có anh Đằng cấp đại úy là cao nhất, giường bên cạnh tôi là anh Liễn thượng úy huấn luyện viên trường sĩ quan công binh hình như ở Đáp Cầu tỉnh Hà Bắc thì phải? Thằng An con ông đại tá tư lệnh binh chủng phòng không không quân, thằng Tuấn nghe nói bố nó làm chức gì to tướng ở bộ đại học. Hai thằng này đeo lon binh nhì, còn tôi là hạ sĩ. Cả lớp chừng 40 người. Giáo viên dạy những môn toán, lý, hóa, sinh tuyển chọn từ các trường cấp 3, các vị đều đeo lon thiếu úy hay thượng sĩ. Tôi phải học 1 năm văn hóa để thi lấy bằng toán lý hóa tương đương với lớp 10 phổ thông bên ngoài. Tôi mới ở Hạ Lào ra, mới thoát chết bởi bệnh sốt rét ác tính, nhưng ngay những ngày đầu tôi tỏ ra xuất sắc về học lực. Tôi được phân công làm phó bí thư đoàn trường, nhưng tôi công tác đoàn thể rất chếnh màng. Anh chàng bí thư là người miền Nam phàn nàn về tôi với cấp trên, nên tôi bị trù dập. Tụi sĩ quan, đảng viên có thành kiến về tôi.

Lớp chúng tôi được chọn đi đều bước để làm lính hàng rào danh dự. Tập rượt mãi vãi cả mồ hôi chán, dán mồ hôi đít ra cuối cùng cũng răm rắp. Vừa sáng dậy lớp trưởng là một anh thượng úy hô to, khẩn trương đánh răng rửa mặt tập hợp trước cổng trường, chờ mãi rồi tiếng máy bay trực thăng rè rè phành phạch đáp xuống. Thiếu tướng Phùng Thế Tài khệnh khạng bước xuống, đại ta hiệu trưởng khom lưng bắt tay đón. Khi duyệt qua hàng rào danh dự, bỗng ông Tài dừng lại trước mặt tôi hỏi: Hạ sĩ con ai? Tôi đứng nghiêm chào, chưa kịp trả lời thì ông Tài quay luôn sang phía đại tá bảo: Thôi cho anh em về, trời nắng chang chang thế này.
Về nhà các học viên xúm lại trêu tôi. Sao không nói là tôi là con ông Phùng Thế Ục. Nghe nói ông Tài này nóng tính lắm, hay đánh lính nên bị ghìm mãi với cái lon đại tá, chắc mới lên thiếu tướng nên ông về thăm trường văn hóa Lạng Sơn? Có thể ông biết bố tôi, là thuộc cấp của ông ở binh chủng không quân hay phòng không không quân, vì tôi có khuân mặt rất giống bố.

Nếu là một quân nhân được coi là một cán bộ nguồn thì tiêu chuẩn số 1 là anh phải tỏ ra trung thành cách mạng, tinh thần tập thể phải thật cao. Giống như anh chàng Lôi Phong của quân đội giải phóng nhân dân Tàu:
Với đồng chí ấm áp như mùa xuân
Với việc chung cháy nồng như nắng hạ
Với chủ nghĩa cá nhân như gió mùa thu quét lá
Với quân thù như băng giá đêm đông…

Lôi Phong chết yểu vì suy dinh dưỡng thọ chừng 22 lá vàng rơi, không một mảnh tình vắt vai. Mao Trạch Đông đã tuyên dương Lôi Phong là anh hùng nô lệ kiểu mới, với tinh thần yêu thương đồng đội, sẵn sàng giặt quần áo cho anh em đồng chí, tiền lương  lính tráng 3 cọc 3 đồng lại quyên góp cho người nghèo, đến cái bàn chải đánh răng người ta vất vào thùng rác cũng mang về dùng lại, hết lòng tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quân đội Việt Nam lại là con đẻ của quân đội Tàu, ngay cả cái trường văn hóa Lạng Sơn này đã có một thời ở bên đất Tàu gọi là trường Nguyễn Văn Bé. Tôi nhớ không chính xác lắm, có phải tiền thân từng có tên gọi là trường Nguyễn Văn Bé hay Nguyễn Văn Lớn?

22.6.2019 Lu Hà











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét