Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

Tôi Đã Hiểu Chuyện (8)


Truyện kể của Lu Hà phần 8

Thế là tôi sẽ phải dời xa quê hương để về Hà Nội. Tôi rất nhớ ông bà, thím H tôi và các em. Thím tôi là một người phụ nữ nông thôn kiểu mẫu, tôi chưa hề thấy thím tôi và bà nội tôi cãi cọ nhau bao giờ, thím chăm chỉ làm ruộng, là đội trưởng sản xuất. Tối đến căn nhà của ông bà tôi là nơi bà con xã viên tới họp để bình công điểm. Thằng em thứ nhất sinh ra, ông tôi đặt tên chữ cho nó gọi là Dụ, rồi thứ hai là Dị, vì ông giỏi chữ nho, nên ý nghĩa của chữ nho làm sao mà biết được? Bà tôi cười dụ, dị, dù, dì …Thấy tên gọi quái đản nên thím hỏi ý kiến tôi, vì thấy tôi cũng hay chữ nghĩa. Tôi đọc truyện biết Việt Nam vùng miền trung có đèo Hải Vân, ngày xưa thuộc hai châu Ô, Rí của vương quốc Champa còn gọi là Chiêm Thành. Vua Chế Mân cắt cho nhà Trần làm của hồi môn để được cưới công chúa Huyền Trân. Cái tên này hay, vậy gọi nó là thằng Hải thím ạ. Cả đứa em thứ hai của cô tôi, cũng được tôi đặt tên cho gọi là thằng H, đứa em gái đặt tên là con V, hình như hồi đó tôi còn đi khai báo làm giấy khai sinh cho nó, khi cô tôi đang làm việc ở nhà máy gỗ Hà Nội.


Chính sự đổi tên khác giấy khai sinh mà sau này thằng Hải không được đi học đại học, vì giấy báo danh là Hải mà tên khai sinh lại là Dị, cãi cọ nhau mãi với ủy ban và ban tuyển sinh nên nó nóng tính xé toang tờ giấy gọi học đại học đi, thật là thiệt thòi cho nó vì cái kiểu làm việc ăn quan liêu, nhỏ mọn bần tiện của người Việt Nam, vẫn ảnh ấy, quê quán ấy,  tuổi ấy mà người ta vẫn không châm chước điều chỉnh cho.

Thằng Dụ sinh ra vì là con đầu lòng nên thím tôi không có kinh nghiệm, cứ để nằm nghiêng một mé nên đầu nó bị bẹp. Sau này lớn lên mọi người vẫn gọi đùa là con cháu ông quản Chuộc thổi kèn đám ma nổi tiếng ở làng tôi. Ông quản Chuộc cũng bẹp đầu, còn có tên là chẽo chuộc. Chẽo chuộc là con ếch ương mình xanh lè có thể phình bụng to ra kêu ộp ộp inh ỏi khắp hồ ao đầm truông.

Thằng Dụ nó khôn ngoan ranh mãnh lắm, gáy nó sâu thím mua bánh về bảo chia cho anh một cái, nó nhất định không chioj, gáy nó lại sâu. Bà và thím với cười bảo thằng này sâu gáy ăn tham. Phải dỗ dành mãi nó mới chịu chia cho. Năm tôi vào lớp 1 hay lớp 2 thày cô giáo bắt mỗi học sinh ngày khai giảng phải vác theo một cây chuối con trồng xung quanh trường. Tôi chạy đến nhà thím mượn cái thuổng thì thằng Dụ lại dấu biệt đi. Thím tôi phải tra hỏi mãi nó mới chịu khai ra nơi cất dấu. Sau này cả hai anh em đã trưởng thành, thường xuyên viết thư hỏi thăm nhau, khi tôi đang học nghề tại cộng hòa dân chủ Đức, thằng Dụ đi bộ đội là lính thông tin điện đài đánh Tàu ở phía Bắc. Nó kể chú tôi đã về hưu buồn lắm, chú mong ước một khẩu súng hơi để chú tới đầm Bơ bắn vịt le. Tôi viết thư cho nó, báo tin đã mua súng rồi, nhưng chờ mãi  vẫn không thấy thư hồi đáp. Tôi không hiểu tại sao, một thời gian sau mới biết nó đã hy sinh.

Thằng em thứ hai cũng khổ sở lắm, mới chừng 1 tuổi đã bị nạn. Nó là đứa trẻ bụ bẫm, hồng hào, ai nhìn cũng thấy thích. Thì chú H cháu gọi bà tôi là bá, xin với thím tôi: Chị cho em bế cháu ra bờ sông chơi một lát, chả may trúng luồng gió độc và thẳng Hải bị liệt. Bố nó phải đưa về Hà Nội chạy chữa mãi. Chú thỉnh mới bảo tôi cùng đi bắt cóc, tôi và chú săn lùng cóc khắp vườn, bờ sông, khắp làng. Chú làm cho tôi bộ gắp, tôi rất thích thú với công việc này.
Cóc mang về chú chỉ lột da chặt lấy hai cái đùi còn bỏ hết, thịt cóc nấu cháo hay băm viên cho thằng Hải ăn, dần dần như có phép tiên thằng Hải hồi phục trở lại và đi lại bình thường. Nó là đứa trẻ hiền và cô đơn, suốt ngày cứ bú tay vì thường xuyên đói, thím tôi lại đi làm đồng, hay đi chợ cả ngày từ sáng tinh mơ đến chiều tối mới về. Cái áo nó mặc dày như mo cau, nó chơi tha thẩn ở nhà ông bà. Chiều tối mẹ vẫn chưa về, nó nằm lăn dưới đất ngủ. Tôi bế nó lên giường, người nó hôi và cáu bẩn, nhưng tôi vẫn bế nó lên,  nó im thin thít mở mắt nó cảm thấy tình anh em ấm áp. thằng này có một trí nhớ kỳ lạ, ông tôi hay đọc những cặp chữ nho câu đối ở mấy cái cột nhà, thằng Hải nhớ hết và đọc ra vanh vách.
Ông tôi trồng xoan 10 năm ở khu vườn người cháu gọi ông tôi là bác. Xoan lớn ông  đốn xuống và ngâm xuống ao, vớt lên cưa cắt đục đẽo để làm nhà cho chú thím tôi. Ông tôi cầm cân nảy mực, các thợ giỏi toàn là người trong họ mạc về làm. Tôi cũng được ông cho cầm đục, tôi dùng đục khoét lỗ sau các chú các ông sửa lại.

Thím Của Tôi

Thím cuả tôi quanh năm vất vả
Dưới nắng vàng nhuộm đoá hồng tươi
Xinh tươi yểu điệu một thời
Hai bên nội ngoại mọi người đều khen

Thím lấy chú khi tôi tròn tháng
Mẹ sinh con đêm tối bão bùng
Cái năm cải cách bi thương
Làng quê xơ xác thê lương hãi hùng

Cha với chú phong trần dầu dãi
Cảnh neo đơn tê tái xót xa
Thím tôi tần tảo sớm khuya
Một sương hai nắng hoa màu héo hon

Vào hợp tác chạy ăn công điểm
Việc nhà quê ảm đạm sương rơi
Các em nheo nhóc nhỏ nhoi
Năm thì mười hoạ chú tôi về nhà

Thím thương cháu hay ho rụt cổ
Mắt trợn trừng đói sưã mẹ nuôi
Bao nhiêu tiền cuả than ôi!
Họ hàng quyên góp nuôi tôi nên người

Thím thường kể về thời thơ ấu
Mẹ nuôi tôi vất vả ra sao?
Bố thì lặn lội phương xa
Ở nhà có thím có bà chăm lo

Khi tôi lớn sớm khuya đèn sách
Giữ tông đường hiến hách cha ông
Thím tôi tất bật gánh gồng
Ngày hai buổi chợ bên sông eo xèo

Em gái út hôm nay kể lể
Khi chú về cuộc sống nhiễu nhương
Tuổi thơ bao nỗi chán chường
Muà xuân đã hết lá vàng thu rơi!

24.9.2010 Lu Hà


Ông tôi có người cháu, bố mẹ chú chết năm bính dậu thì phải, vì đói quá ăn cây, lá cây thầu dầu tức là cây đu đủ. Sau này tôi mới biết lá cây thầu dầu dùng để chữa bệnh huyết áp cao, hạ đường huyết trong máu rất nhanh. Đã đói, cơ thể suy nhược huyết áp đã thấp, nhịp tim thấp, đường huyết thấp lại còn ăn lá đu đủ thấp hơn nữa chân tay lạnh cứng và sẽ bị đứng tim luôn.

Ông bà tôi nuôi chú, sau này bố mẹ tôi xin về Hà Nội để bế cháu, bế thằng em thứ hai của tôi. Da chú sần sùi mụn nhọt, mới đưa vào bệnh viện 108 khám. Bác sĩ chẩn đoán bệnh này khó chữa, mẹ tôi nghe vậy sợ quá lại gửi chú trả về với ông bà. Tôi cũng sợ, chẳng dám gần chú. Chú có người em gái bị thất lạc từ nhỏ, khi sinh ra cùng tuổi với cô ruột tôi tức em gái bố tôi, nên đặt tên chung cho cả hai người. Cô bị người ta dụ dỗ theo cho ăn bánh và mang bán đi mất tích. Khi cô đã trưởng thành và đã lấy chồng thì cánh thợ mộc của ông tôi sang làm nhà ở huyện Thanh Ba, thì thấy một người con gái sang chơi, hỏi tên họ nguyên quán, dò hỏi mãi mới phát hiện ra cái nốt ruồi ở bả vai. Mọi người mới nhận ra thì là con gái ông quản Th, em trai ông nội tôi, là con cháu dòng họ Nguyễn. Ngày đoàn tụ cô gặp lại anh trai sau nhiều năm thất lạc, cô khá xinh đẹp nhưng anh tri cô thì xấu xí quá. Cả hai anh em òa lên khóc. Chú  mừng lắm và bữa cơm ăn rất ít. May quá ông tôi làm thợ mộc ở Yên Lập có một người phụ nữ bị ruồng rẫy, ông tôi liền mai mối luôn cho thằng cháu tức ông chú sần sùi mụn nhọt đó và sau này sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú, da dẻ lành lặn, không bị lây nhiễm hay mang gen di truyền của người cha ở cả Yên Lập. Cả làng ai cũng bái phục ông tôi. Đúng là hàng cao thủ, mưu trí, khôn ngoan, quyền biến vô cùng.

Về Hà Nội vào học lớp 9 có thằng Dương gọi là Dương ba trê, vì thằng này cũng đầu bẹp như con cá trê. Thằng này luôn gây thù chuốc oán với tôi chỉ vì ghen tỵ về sức học của tôi. Chuyện còn dài tôi sẽ từ từ kể sau.

13.6.2019 Lu Hà









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét