Thứ Hai, 15 tháng 7, 2019

CHƯƠNG II. Tôi Đã Hiểu Chuyện (1)


Truyện kể của Lu Hà phần 1

Thiết tưởng cũng nên vài nét về ông bà nội của tôi. Bà tôi dáng người dong dỏng cao, thời con gái có thể xếp vào loại chân dài, dáng vẻ phúc hậu, có trí nhớ rất dai và hay kể chuyện, bà hay bảo tôi nhổ tóc sâu và khi bà chải tóc ra mớ tóc rối nào thì bà cuộn lại nhét vào cái hốc gỗ sát ván bên trái bếp, bà thường cho tôi tiền thưởng để mua kẹo, thường là 5 xu một công. Số tóc sâu, tóc rối tôi thường gom của bà, của mẹ hay của cô, tôi đều giữ lại một mình tôi hưởng hết, mỗi khi có ông có bà hàng kẹo kéo đi ngang qua rao lông gà lông vịt tóc rối đổi lấy kẹo đi. Tôi lại hớn hở mang ra cả đống ra đổi lấy kẹo. Họ thu gom những thứ của nợ ấy làm gì tôi cũng chẳng cần biết, miễn có kẹo kéo ăn là được rồi. Sau này lớn lên tôi biết lông gà lông vịt để nhồi vào làm gối, nhưng mớ tóc rối nham nhở đen trắng lẫn lộn để làm gì thì đến bây giờ đã là một lão phu rồi mà tôi cũng chẳng biết. Không lẽ lại làm gối, làm gấu bông búp bê…? Dành cho một ngành công nghiệp, hay thủ công chế biến nào tôi cũng đành chịu không thể nào hiểu nổi.


Ông tôi dáng người quắc thước da dẻ hồng hào, trông như một võ tướng, da mặt căng không có nếp nhăn trên trán hay đuôi khóe mắt. Nhưng ông tôi không biết võ mà chỉ biết văn thôi. Có một tay cao thủ võ lâm bị án oan có nhờ ông tôi biện lý cho trước phủ đường, quan huyện vốn dĩ cũng là bạn văn chương thấy ông tôi nói có lý nên tha bổng tay này. Để tạ ơn ông tôi ngỏ ý muốn truyền võ nghệ cho, nhưng ông tôi cười thấy anh hàm oan nên tôi cãi lý cho. Người quân tử đọc sách thánh hiền giữa đường gặp chuyện bất bình lẽ nào không cứu giúp. Thôi anh về chăm chỉ làm ăn tử tế nuôi vợ nuôi con đàng hoàng là coi như anh đã trả ơn tôi rồi.

Có lần tôi hỏi ông ơi! Sống được như ông ngót 70 tuổi gọi là thọ rồi ông nhỉ? Ông chỉ thở dài: Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục.
-Thế nghĩa là gì hở ông?
Ông bảo: Càng sống lâu chỉ thấy nhục mà thôi.
-Tôi không hiểu lắm ông còn có nỗi nhục gì? Và tôi cũng không hỏi thêm nữa.

Tôi còn nhớ khi mẹ con tôi dời bỏ ngôi nhà tranh ớ xóm 2 về ở với ông bà, thì có phong trào tổ đối công. Làng tôi lúc đó trù phú no đủ lắm. Ngày hội ngày tết thật là nhộn nhịp, có đủ các trò chơi như đua xe đạp, leo cột mỡ, đánh đu, đánh tổ tôm, diễn kịch, chiếu phim. Tôi được xem các bộ phim như Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh, Thượng Cam Lĩnh, Điện Biên Phủ, phim chí nguyện quân Trung Hoa giúp Triều Tiên kháng Mỹ,  phim thời sự về một công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải gì đó, thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên….Thật là háo hức ngay từ buổi chiều đầu tiên loa phóng thanh đã oang oang: A lô A Lô, thưa toàn thể đồng bào trong toàn xã Minh Tân, hôm nay đội chiếu bóng 211 sẽ về phục vụ đồng bào bộ phim dài 3 đêm liền Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh. Tôn Ngộ Không là một người anh hùng nông dân áo vải, đã dũng cảm kiên cường đánh bại tất cả bọn yêu ma quỷ quái địa chủ cường hào ác bá. Tôn Ngộ Không có hai người anh em cùng giai cấp là Chư Bát Giới và Xa Tăng đi bảo vệ thày Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh…
Buổi chiều tôi ăn rất ít, bà bảo cứ ăn no đi, rồi bà cho theo cô mày đi xem phim, vé vào cứa là 5 xu, trẻ em không phải mất tiền, cho nên khi qua cứa soát vé tôi sợ không qua lọt cố tình hạ thấp mình bé xuống cho chắc ăn.

Tôi thích nhất vào những ngày tết nguyên đán. Sáng mồng 1 tết, Tôi được cô dì chú bác phát vốn cho được rất nhiều tiền xu, tôi xâu vào cái dây đeo tòng teng ở cổ có ý khoe tôi giàu có lắm tiền. Tiền giấy tôi bỏ vào túi quần ka ki, may mắn được 1 đồng là quý lắm rồi. Đêm 30 nấu bánh trưng, sáng mồng 1 đốt pháo xong, ông tôi quần the đầu đội khăn xếp chắp tay khấn vái, tôi thấy ông tôi miệng lẩm bẩm cái gì nghe không rõ, rồi 3 mâm cỗ được dọn lên khói hương nghi ngút bảo để cúng cụ. Ông bảo tôi cầm cái quạt phe phẩy đuổi ruồi, sẵn đấy tôi nhón tim gan gà ăn sạch. Khi vào tiệc không thấy tim gan gà đâu để giã rượu, ông cười bảo thì ra con gà này nó không có tim gan…

Ngày mùa lúa từ ngoài đồng nườm nượp gánh về chất đầy góc sân, tôi như con chim sơn ca chạy nhảy lăn lên nằm trên đống rơm rạ và học tết đầu gà. Chả may một hạt thóc bay vào mắt khóc thét lên, các cô các chú cuống cuồng cả lên, mẹ tôi ôm con sợ lắm có người bảo dùng cái búp tre non khều ra, và may mắn lấy ra được. Thật là một cơn kinh hoàng cho cả nhà.

Khi vào lớp vỡ lòng và lớp 1 thì mỗi học sinh phải nộp một tờ khai do bố mẹ ghi laị: là gia đình đã nạp đơn vào hợp tác xã hay chưa?
Tôi nhớ bọn trẻ phải đồng thanh hát: Hợp tác xã a là nhà của em. Hợp tác xã như một đại gia đình, tình giai cấp mến yêu chan hòa. A la la lá la là la….

Rồi sau đó làng quê tôi dần dần đuối dần, tối đến họp bình công điểm tranh cãi nhau như mổ bò, hàng năm hết cả hội hè. Bà tôi có mấy buồng chuối khi còn còn xanh non người ta đã đến ghi sổ, dặn là khi chuối sắp chín phải để bán chuối nghĩa vụ, cấm không được cắt xuống ăn. Lợn nghĩa vụ, gà nghĩa vụ, cái gì cũng nghĩa vụ. Tôi không hiểu sao mà lắm nghĩa vụ thế ?

Ông tôi đã cao tuổi không ở làng làm ruộng mà thường vào các huyện miền núi làm nhà cứa cho người các dân tộc. Cánh thợ cụ quản T nổi tiếng nhất vùng, ông tôi thiết kế bản vẽ, cầm cân nảy mực. Nghe nói ông tôi được trả 10 đồng cụ mượt một công, thợ cả 5 đồng một công, còn các thợ khác theo khả năng là 3 đồng, hay thấp nhất là 1 đồng.

Tôi nhớ ông lắm, mới bảo bà: Sao mãi chẳng thấy ông về
-Bà cười hỏi: Tháng trước ông mày còn ở nhà mà bây giờ đã nhớ thế à
-Tôi mới nói: cháu chỉ mong ông về để có thịt gà ăn.

Mỗi khi ông tôi về lại chi tiền cho bà hay cô tôi đi chợ mua gà cá rau củ về cả nhà cùng ăn. Nếu có cụ nào ghé chơi, ông mời cùng ăn để ông đọc thơ, mà toàn thơ bằng chữ Hán, rồi ông cười ha hả tỏ ý tâm đắc lắm, cụ già kia có hiểu hay không, ông cũng không quan tâm.

Tính ông tôi vui và rất khôi hài ông kể chuyện một con mẹ dân tộc xấu xí tằng tịu với một tay  hàng xóm chột mắt quá bụa tên là Lò A Sung. Tụi công an xã, dân quân du kích cả đám nó vây bắt, trói gô cánh khuỷu cả hai giải lên ủy ban. Chị ta giật phăng mấy cái cúc áo, lòi cả vú ra; cứ vỗ phành phạch vào bụng vào háng của mình vãi cả nước ra, lớn tiếng bảo: Những thứ này là của tao chứ có phải của ủy ban đâu mà đòi bắt tao? Tao cho ủy ban thì ủy ban được hưởng, tao cho thằng Sung thì thằng Sung nó được hưởng.

Cả nhà ôm bụng mà cười rũ rượi. Đọc thơ hay kể chuyên xong ông tôi mới chống đũa nhìn vào đĩa thịt gà, cá rán thì đàn cháu háu ăn của ông đã ăn sạch sành sanh từ lúc nào rồi, chỉ con trơ ra mấy khúc xương. Nhưng ông rất vui lại cười ha hả: Thì cháu ông ăn chứ ai ăn đâu.

9.6.2019 Lu Hà












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét