Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Tuổi Âú Thơ (4)


Truyện kể của Lu Hà phần 4

Một ngày bỗng cả nhà tôi nhộn nhịp vui vẻ hẳn lên vì có một chú người nhỏ con, nói giọng Quảng Nam đặc sệt, tiếng chú líu lo như chim hót, tôi nghe thấy là lạ tai, và tôi tỏ ra thích thú lắm. Cùng đi có một ông hình như là cán bộ cán bẹt gì đó là cấp trên hay người trong chi ủy đảng ủy về để kiểm tra thành phần của cô tôi, có phải loại xỏ giầy nhầm theo Tây đánh ta hay theo ta đánh Tàu không? Hay theo cả Tây lẫn Tàu đánh ta không? Như té ra cô tôi được xếp vào thành phần cơ bản vì có bố là đảng viên và cả hai anh trai đều là bộ đội chính quy. Vậy giàn lãnh đạo đảng bộ nhà máy gỗ Hà Nội ưng ý sát ván và chuẩn y cho phép cô tôi được lấy chú Lan. Một vài tháng sau thấy cả bố tôi và chú Thỉnh từ trường sĩ quan lục quân về, chú Thỉnh cũng đã mới tốt nghiệp sĩ quan. Ngày tôi ở trường sĩ quan Sơn Tây thấy một chú trắng trẻo đẹp trai dáng người thư sinh mới đi tập về vác một lá cờ nhỏ đi qua khu nhà bố tôi ở, chú cười và bế tôi lên. Tôi vẫn chưa biết chú là em trai ruột của bố tôi.


Ông tôi treo một cây đèn to tướng giữa nhà, mọi người bảo là đèn măng xông, tôi thấy ánh sáng trắng xanh sáng quắc cả nhà, các sà ngang liên đới với các cột nhà đều treo hoa giấy, một cái phông ở giữa có hai chữ L-T lồng lên nhau. Mọi người bảo là nhà cụ đồ lâm môn song hỉ.
Ngoài sân một con lợn khoảng chừng một tạ, mà bà cháu tôi chăm bẵm mãi,
ngày đó tôi đã biết dùng dao phay thái thân cây chuối và cho vào cối giã cho nhuễn ra, giúp bà nội nấu cám lợn. Một người cháu trong họ gọi ông tôi là bác dùng con dao nhọn cực sắc thọc vào yết hầu con lợn ồng ộc phun máu ra một cái chậu hứng ở dưới, còn chú Thỉnh dùng cái đũa cái đánh lên với muối bảo là làm tiết canh. Tôi rơm rớm nước mắt thương con lợn vô cùng, sau đó là những gáo nước sôi múc ra từ một cái chảo lớn, múc đến lông đâu là lông tuột ra, cạo luôn đến đó, một lúc sau cả một con lợn đen sì bỗng trở nên trắng phau phau như bụng, như lưng các chị, các cô, các bà ở làng tôi đi tắm sông vậy.

Con lợn đươc mổ, chú Thỉnh moi ra cái bàng quang hay gọi là bong bóng đưa cho tôi, bảo cho mày chơi. Tôi nghe lời người lớn chỉ bảo vần cái bàng quang vào tro bếp nóng sau dùng ống đủ đủ phùng má trợn mang thổi một lúc sau tôi được một quả bóng hơi to tướng chạy tung tăng khoe với bọn trẻ con hàng xóm một đỗ chơi quý giá, tôi cứ ôm khư khư quả bóng không cho chúng nó đá sợ bể mất.

Sau đám cưới chú Lan ở lại, hàng ngày chú xãng xái dùng cuốc, dùng cào , cắt cỏ, dọn dẹp sạch sẽ từ ngõ nhà tôi và cả con đường làng ra tận bến sông. Bà tôi hỏi sao anh lại phải làm việc không công như vậy? Chú Lan thưa: Dạ con dọn sạch sợ có rắn rết nó cắn các cháu nhỏ.
Lúc đó có một ông thày đồ từng là bạn văn chương của ông tôi rất giỏi xem tướng xem tử vi từ làng khác đến chơi. Mới phán rằng: Anh này rất nhân hậu, lương hảo vô cùng, thuộc dòng giõi danh gia vọng tộc, nhưng tiếc rằng mạng yểu chắc không thọ được lâu. Mọi người không tin đều cười ầm lên. Chú Lan mới chạy đến hỏi chuyện gì mà cười to thế cả nhà? Bà tôi lại tếu táo nói đùa chuyện cười ông chết non. Quả là không sai sau này chú bị tai nạn ô tô vì đi mua gạo cho vợ con, chú người thì thấp lại đi cái xe đạp phượng hoàng hay thống nhất gì đó kềnh càng và bị một chiếc xe tải, lái xe là con cháu một ông tỉnh ủy viên người Phú Thọ cán phải. Tòa sử phạt phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho thằng em con trai chú Lan tới 18 tuổi. Tuy nó không phải đi tù nhưng tiền nó có chịu chi trả cô tôi nuôi thằng em họ tôi hàng tháng không? Tôi cũng không biết và sau không thấy ai nhắc đến.

Chú rất thương tôi, nhớ ngày hai chú cháu đi một chuyến tàu đêm từ Hà Nội về quê, chú mua cho tôi một chiếc bánh mỳ kẹp thịt, tôi đứng trên tàu còn chú đi gửi xe đạp. Sau quay lại vẫn thấy tôi càm nửa cái bánh mỳ, mới ngạc nhiên hỏi: Sao mày không ăn?
-Cháu không muốn ăn nữa, vì lúc nãy có một ông đứng sau lưng và ông ấy ho, cháu sợ bọt nhãi ông ấy văng vào nên không ăn
Chú mới bảo: Lão ấy ho; thì ném mẹ cái bánh mì vào sọt rác còn giữ làm gì.
Tôi hay đến thăm chú ở nhà máy gỗ, đêm hè nóng nực nằm dưới cái quạt trần mát lạnh, trong Nam có thời mấy ông bộ độ ngố rừng nhà quê vẫn lầm tưởng là cái máy chém. Chú sợ cháu lạnh, đắp thêm cho cái mền mỏng và sáng ra mua sôi đậu cho ăn, rồi mới cho về nhà.

Cô tôi lấy chồng và ông tôi là tậu nhà cho ra ở riêng. Vậy trong nhà chỉ còn có ông bà nội và tôi thôi. Thật là vắng vẻ trống trơn. Tôi thích ở với ông bà nội hơn, vì ông bà tôi thả lỏng tự do bay nhảy, tắm sông, tắm ao hồ thoải mái, thích trồng hoa, đào dế, bắt ne cộ, chơi pháo đất, đào lò nấu mật ở vườn với bọn trẻ con hàng xóm bằng cái bát khói um lên. Đi ăn cỗ nhà ai ông tôi cũng mang đi theo, toàn được ngồi mâm trên với các cụ. Bà tôi thăm lại các bà bạn ngày xưa cũng mang theo. Bà tôi hay đưa tôi sang làng Bơ thăm ông bà đồ Cóc và bà tôi chắp tay gọi họ là tiên sinh rất cung kính, tôi được ăn ngon. Còn ở Hà Nội chán lắm, mặt đường nhựa nóng bỏng, xe cộ lại nhiều, hơi một tý là mẹ tôi lại la mắng chơi bẩn, nghịch bẩn.

Vì được ông bà nuông chiều chăm bẵm nên tôi béo lắm, sang nhà hàng xóm thấy mấy đứa trẻ gầy nhom trơ xương xườn ra. Thằng lớn nhất nó cứ chê tôi béo múp đầu cá măng, trông như con lợn, nên tôi rất tức. Mới hỏi nó, có cách nào gầy bớt đi được không? Nó lại xui dại tôi : Cứ cắt đầu ngón tay cho máu chảy bớt đi là gầy ngay được thôi. Tôi ngây thơ tin lời nó và một ngày dùng con dao, gọt con quay để chơi, chẳng may bị đứt tay tôi cứ để máu chảy lã chã xuống đất. Ông tôi bất ngờ trông thấy mới quát to lên: Mày muốn chết hay sao mà để máu chảy như vậy, bịt ngay lấy. Tôi giật mình sợ hãi dùng bàn tay bịt chặt vết thương lại. Ông tôi giải thích, người ta sống được nhờ máu, mất máu là chết liền. Lúc đó tôi mới bừng tỉnh thì ra thằng hàng xóm nó xui dại, vì nó gày gò thiếu ăn, nên nó ghen tỵ mà xui dại tôi.

Tôi được ông dẫn đi học lớp vỗ lòng. Thày giáo lại là ông chú họ bị cụt một chân gọi bà nội tôi là bá, vì bố thày giáo là em trai ruột bà nội tôi. Tôi không thích học, thích chơi lêu lổng hơn. Ông thày lại là chú, thấy cháu học dốt cũng không biết làm sao, kể lại với ông bà nội tôi. Ông tôi lo lắm, bản thân ông tôi là một văn sĩ, từng là thày đồ hay chữ nhất làng, ông tôi rất giỏi chữ nho, còn chữ quốc ngữ chỉ tàng tàng lớp 5 thôi. Cả nhà muộn màng lắm mới có thằng cháu đich tôn lại học dốt như vậy ông buồn phiền vô cùng. Ông mới kể chuyện bố mẹ tao ngày xưa nghèo lắm, nhà có 3 đứa em trai, tao là lớn nhất tao phải lao đông cực nhọc giúp đỡ bố mẹ nuôi em, tao phải đi học, nhà không có dầu phải bắt con đom đóm bỏ vào trong cái lọ để đọc sách, không biết ông tôi có nói thật không? Nghèo gì mà nghèo đến mức khốn khổ như vậy? Nhưng kể chuyện lúc đó cũng làm tôi bớt mải chơi đôi chút. Rồi ông tôi lại dẫn tôi lên xóm 1 học thêm.

Một buổi sáng tôi đang lêu đêu ngoài đường, bỗng có mấy thằng thanh nên gọi tôi: Ê thằng vệ túm con, con ông vệ quốc đoàn khỏe nhất làng có dám thi vật với thằng cu giò không? Ở làng nhiều người cứ gọi tôi là vệ túm, có ý mỉa mai bố tôi, vì bố tôi là lính vệ quốc đoàn mỗi khi về làng đều mặc quần túm ống nên họ gọi tôi là vệ túm có ý xỏ xiên. Nhưng tôi lại ngây thơ tự hào được gọi là vệ túm chắc hẳn là oách lắm.

Thằng cu  giò cao lêu nghêu thách thức tôi thêm cả thằng Mùi, thằng Lý cùng nhảy vào một lượt. Trong khi hai thằng kia còn lóng ngóng sợ sệt thì tôi lao vào  nhưu một con gấu con no mật ong, ôm ngang thằng cu giò quật xuống nghe cục một tiếng, thằng cu giò nằm lăn quay ra đất kêu khóc thảm thiết, mấy thằng thanh niên và hai đứa trẻ sợ xanh mắt.

Tôi sợ quá chạy biến đi ra vở sông, định tìm đò qua sông để xuôi tàu về Hà Nội với mẹ. Tôi gặp thằng Vĩnh con ông thợ kèn bẹp đầu thổi kèn đám ma tò te tí te. Đi đâu mà hốt hoảng thế ? tôi bảo Vĩnh ơi tao sắp đi tù rồi, mày có tiền cho tao vay đê xuôi về Hà Nội, tao vật nhau với thằng cu giò và nó bị gãy chân.

Nó khuyên tôi đừng dại dột mà qua sông, còn bé như vậy chả sao đâu. Tôi lại trở về nhà chú thím tôi. Khi đó chú tôi cũng mới về nghỉ phép và đang đánh cờ. Chú xoa tay đắc thắng; chiếu tướng này thì bỗng nghe tiếng kêu khóc la lối om xom của bà và mẹ thằng cu giò đòi kiện cáo tôi vì tội đánh thằng cu giò gãy chân.

Vừa thấy tôi lấp ló ở hàng dậu dâm bụt, chú ra ngay túm lấy tai lôi về nhà ông bà nội bắt ôm vào cột nhà ngồi đó mà ăn năn xám hối.

Cô tôi vừa mới có mang 5 tháng cũng phải lặc lè khiêng chõng thằng cu giò đi cấp tấp đi bệnh viện tỉnh. Bà tôi có ổ trứng gà định để ấp mái ra gà con, cũng phải mang đến nhà thằng cu giò nài nỉ làm bồi dưỡng. Bọn ghen ăn tức ở trong làng bấy lâu nay rất ghét ông tôi là một người tài ba lỗi lạc, không những văn hay chữ tốt, kiến thức nho học uyên thâm và về già ngót 70 tuổi còn làm thầu khoán xây dựng nhà cửa. Ông thường dẫn đầu đám thợ mộc lành nghề gồm toàn con cháu trong họ đi các huyện miền núi làm việc. Chúng nó bảo chuyến này hãy trói gô ông tôi lại, có chaỵ đằng trời.
 Ông tôi cứng cỏi: Ông thách thằng nào dám đến trói ông? Cháu ông mới có 6 tuổi, nó đã biết gì? Trẻ con vui đùa với nhau chả may bị tai nạn, tiền thuốc men phí tổn gia đình ông đã đền bù đầy đủ còn kêu ca gì nữa?

7.6.2019 Lu Hà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét